Các nhà khoa học ở Đại học New York đã tiến hành thí nghiệm để trả lời câu hỏi này.
Hàng thế kỷ nay, biết bao sử gia và nhà khảo cổ học đã dốc lòng tìm hiểu những bí mật ẩn sau bức tượng Nhân sư khổng lồ ở Giza: Ban đầu bức tượng này có hình dáng như thế nào? Nó được thiết kế nhằm thể hiện điều gì? Tên gốc của nó là gì? Song lại chẳng có mấy sự chú ý hướng tới một câu hỏi cơ bản và gây tranh cãi: Khi người Ai Cập cổ đại bắt đầu xây dựng công trình này thì địa thế ở đó như thế nào – và liệu bối cảnh tự nhiên có liên quan tới sự hình thành bức tượng hay không?
Để tìm câu trả lời, một nhóm các nhà khoa học ở Đại học New York đã tái lập những điều kiện tồn tại từ 4.500 năm trước, khi tượng Nhân sư được xây dựng, nhằm chứng minh bức tượng được tạo hình trước tiên bởi gió.
Phó giáo sư Leif Ristroph, Viện Khoa học Toán học Courant thuộc Đại học New York, tác giả đứng đầu nghiên cứu, cho biết, phát hiện của họ có thể giải thích cách sự bào mòn của gió tạo ra những hình thù giống Nhân sư. Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy các hình dạng giống Nhân sư một cách đáng ngạc nhiên, trên thực tế, xuất hiện khi các vật liệu bị bào mòn bởi những luồng nước (mô phỏng gió mạnh)”.
Nghiên cứu này tập trung vào tái lập yardang – những khối đá bất thường xuất hiện trên các sa mạc, có hình thù được tạo bởi sự mài mòn của gió bụi và gió cát– và tìm hiểu xem làm thế nào tượng Nhân sư khổng lồ có thể ra đời từ một yardang, rồi sau này được con người đục đẽo chi tiết thành hình dạng bức tượng mà chúng ta thấy ngày nay.
Ristroph và các đồng nghiệp tại Phòng thí nghiệm Toán ứng dụng của Đại học New York đã lấy những ụ đất sét mềm chứa vật liệu cứng hơn, khó bị ăn mòn hơn ở bên trong để bắt chước địa hình tại miền đông bắc Ai Cập, nơi bức tượng Nhân sư tọa lạc.
Sau đó, họ cho những dòng nước mạnh chảy lên những khối vật liệu này để mô phỏng gió. Những dòng nước đã ăn mòn và tạo cho chúng những hình dạng mới, và cuối cùng hình dạng giống như Nhân sư đã xuất hiện. Phần vật liệu cứng hơn biến thành “đầu” của sư tử, và nhiều đặc điểm khác cũng hình thành, như “cổ” và “bàn chân” nằm đằng trước trên mặt đất, và phần “lưng” cong.
“Các kết quả của chúng tôi cung cấp một lý thuyết độc đáo, đơn giản về việc các hình dạng trông như Nhân sư có thể xuất hiện nhờ sự bào mòn. Trên thực tế, các yardang còn tồn tại đến ngày nay trông giống như các con vật trong tư thế ngồi hoặc nằm củng cố thêm cho các kết luận của chúng tôi”, Ristroph nói.
“Nghiên cứu này cũng có thể giúp ích cho các nhà địa chất học vì nó cho thấy nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hình thù của các khối đá, trong đó có việc chúng không đồng nhất về kết cấu. Các hình thù bất ngờ có thể xuất hiện, tùy thuộc vào việc gió quần thảo như thế nàoquanh phần cứng hơn và khó xói mòn hơn của khối đá”.
Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Physical Review Fluids.
Nguồn: